Tạo 10000 VND Thưởng bởi 👋Đăng ký

Fintech Việt Nam là một trong những thị trường cạnh tranh nhất châu Á

Cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ fintech. Thị trường fintech Việt Nam cũng không ngoại lệ, thậm chí còn đứng trước một thời kỳ phát triển nhanh và trên đà lớn mạnh. Theo Nikkei, Việt Nam thuộc nhóm thị trường fintech cạnh tranh nhất châu Á, đặc biệt là fintech của những hãng nội địa.

M:\10.8.jpg

Việt Nam thuộc nhóm thị trường cạnh tranh nhất châu Á

Theo Nikkei, sự phát triển của MoMo - hãng fintech nội địa Việt Nam đã thu hút các doanh nghiệp đối thủ nước ngoài, giúp Việt Nam trở thành một trong những thị trường fintech cạnh tranh nhất châu Á. Hàng chục doanh nghiệp, bao gồm cả những gã khổng lồ công nghệ Đông Nam Á như Sea và Grab, cũng đã tham gia vào cuộc đua giành thị phần fintech ở Việt Nam và đang trong giai đoạn “đốt tiền” để thu hút người tiêu dùng.

Số lượng các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực fintech tại Việt Nam luôn tăng trưởng mỗi năm, từ 39 công ty (năm 2015) lên 44 công ty (năm 2017) và 124 công ty (năm 2019) (Vietnam fintech Report 2020). Trong giai đoạn 2017 - 2020, số lượng những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực fintech tại Việt Nam tăng hơn 179%. Trong đó, dịch vụ thanh toán vẫn là phân khúc lớn nhất, chiếm 31% số lượng các công ty khởi nghiệp fintech; tiếp đến là P2P lending (17%), blockchain (13%), POS (7,5%), quản lý tài sản (7,5%...). Trong khi các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực thanh toán của Việt Nam tiếp tục phát triển và thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending) và không gian tiền điện tử/blockchain là hai phân khúc có mức tăng trưởng mạnh nhất. Hai dịch vụ này có số lượng công ty khởi nghiệp tăng từ ít hơn 5 vào năm 2017 lên hơn 15 công ty khởi nghiệp trong năm 2020. Việt Nam hiện có hơn 39 nhà cung cấp dịch vụ phi ngân hàng được cấp phép, với 5 ví điện tử lớn nhất là MoMo, Payoo, Moca, Zalo Pay và ViettelPay.

Fintech đang có những bước phát triển nhanh và mạnh, đồng thời cho thấy áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2017 cả nước mới có khoảng 74 công ty fintech cạnh tranh trên thị trường, thì đến cuối năm 2019 số lượng các công ty fintech đã tăng lên gần 140 công ty. Tuy nhiên, số lượng công ty fintech tại Việt Nam vẫn chưa bắt kịp được với các nước ASEAN khác khi tính đến cuối năm 2019, Singapore có 1.157 công ty fintech; Indonesia 511 công ty; Malaysia 376 công ty, Thái Lan 216 công ty… (Fintech Singapore, 2020).

Các yếu tố hỗ trợ thị trường fintech tại Việt Nam

Mặc dù số lượng chi nhánh ngân hàng trên đầu người tương đối thấp nhưng Việt Nam có tỷ lệ sử dụng điện thoại di động cao nhất khu vực, với khoảng 80% dân số trưởng thành sử dụng điện thoại di động. Bên cạnh đó, số lượng giao dịch phi tiền mặt tại Việt Nam thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, tỷ lệ giao dịch phi tiền mặt tại Việt Nam là 4,9%, thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan (59,7%), Malaysia (89%) và Trung Quốc (26,1%).

M:\10.8-.jpg

Fintech được thúc đẩy với hàng chục công ty được trao giấy phép hoạt động ví điện tử. Tính đến tháng 10/2020, Việt Nam có 39 nhà cung cấp dịch vụ phi ngân hàng được cấp phép, với 5 ví điện tử lớn nhất là MoMo, Payoo, Moca, Zalo Pay và ViettelPay. Sự kết hợp đó đã tạo ra thị trường giàu tiềm năng cho các công ty khởi nghiệp muốn cung cấp dịch vụ tài chính thông qua điện thoại thông minh.

Dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp cũng là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy khách hàng tăng cường giao dịch điện tử, từ đó giúp lĩnh vực fintech ở Việt Nam phát triển.

Đặc biệt, các chính sách, hỗ trợ của Chính phủ cũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy thị trường fintech phát triển sôi động. Năm 2016, Chính phủ đã thành lập Cơ quan Phát triển thương mại và Kinh doanh công nghệ Quốc gia (NATEC) nhằm cung cấp đào tạo, cố vấn, ươm tạo doanh nghiệp và hỗ trợ tài chính cho các công ty khởi nghiệp công nghệ mới. Chính phủ cũng có nhiều chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp công nghệ thông tin. Theo đó, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi là 10% (thay vì 20% như các doanh nghiệp khác) trong 15 năm kể từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế; miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm kể từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định và phục vụ sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin của doanh nghiệp… Bên cạnh đó, mỗi khu công nghệ thông tin tập trung, doanh nghiệp có thể được hưởng những ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định của từng địa phương như hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm công nghệ thông tin…

Do thiếu lực lượng lao động tài năng để làm việc trong các công ty công nghệ cao, Chính phủ đang tập trung vào giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) bằng cách tổ chức giáo dục STEM trong các chương trình giảng dạy ngoại khóa ở các trường phổ thông. Các trường đại học hàng đầu đã bắt đầu đào tạo về khoa học dữ liệu, do đó, tình trạng thiếu lao động trong lĩnh vực này dự kiến ​được giảm bớt trong những năm tới.

Môi trường pháp lý tại Việt Nam chưa rõ ràng, tuy nhiên, thị trường fintech Việt Nam hiện chỉ có duy nhất khung pháp lý cụ thể là trung gian thanh toán. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp được tự do kinh doanh và phát triển sản phẩm mà chưa gặp phải các rào cản pháp lý.

Định hình thị trường fintech Việt Nam trong tương lai

Mặc dù thị trường fintech Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều rào cản, thách thức đối với thị trường này.

Hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa có những công ty fintech quy mô lớn, chưa có các chính sách thuế ưu đãi đối với nhà đầu tư thiên thần và đầu tư mạo hiểm như một số trung tâm fintech trên thế giới. Một trong những nguyên nhân “kiềm chế” sự phát triển của fintech là do khuôn khổ pháp lý còn sơ khai, chủ yếu là một số đề án mang tính vĩ mô. Tại Việt Nam, hầu như chưa có khuôn khổ pháp lý quy định rõ về bản chất sản phẩm, dịch vụ, các tiêu chuẩn của sản phẩm/dịch vụ; mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, các điều kiện thành lập và hoạt động của công ty fintech; bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm tài chính, bảo vệ thông tin cá nhân.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển nên cơ sở hạ tầng công nghệ còn yếu kém, do đó chưa thể đáp ứng được yêu cầu của nền tảng công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ bảo mật. Thêm vào đó, người sử dụng hệ thống chưa có ý thức bảo mật thông tin cá nhân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của những người tham gia vào hoạt động fintech.

Ngoài ra, các vấn đề về mô hình kinh doanh, kỹ năng quản trị và chiến lược phát triển trung - dài hạn của các doanh nghiệp hầu như chưa có, nên các doanh nghiệp này chỉ hoạt động được trong thời gian ngắn và rất khó khăn để lớn mạnh và tiếp tục phát triển xa hơn. Do đó, việc áp dụng thành công các công nghệ số để phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng sẽ lan tỏa rất lớn, có thể đem lại hiệu quả cấp nhân đối với hoạt động kinh tế.

Để fintech có thể phát triển đúng hướng, các tiêu chuẩn, quy định về vấn đề chia sẻ và bảo mật dữ liệu, bảo vệ người tiêu dùng, dịch vụ tài chính xuyên biên giới, an toàn hệ thống tài chính… cần được sớm ban hành. Bên cạnh đó, cần tăng cường trao đổi, phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng nhằm nâng cao chất lượng quản lý, giám sát những lĩnh vực mới, hoàn thiện thể chế, bộ máy quản lý fintech (có bộ phận đầu mối, quản lý thống nhất…). Mặt khác, các quy định về liên kết, hệ sinh thái giữa ngân hàng, công ty fintech, công ty công nghệ thông tin lớn, bên thứ 3 và các chuỗi cửa hàng, trang thương mại điện tử… cũng cần sớm được xây dựng. Đặc biệt, cần có các quy định về yêu cầu vốn, công nghệ, chuẩn mực hoạt động và quản lý rủi ro đối với các công ty muốn tham gia vào thị trường fintech.

Với việc Chính phủ đang thực hiện nghiên cứu các bước phát triển mới, bao gồm các khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới và các hướng dẫn quy định mới, đặc biệt là trong lĩnh vực P2P Lending với nhiều sáng kiến ​​khác nhau, lĩnh vực fintech Việt Nam trong những năm tới hứa hẹn sẽ là thị trường giàu tiềm năng và cạnh tranh khốc liệt.

Đáng lưu ý là, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho fintech đang được Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ xem xét và dự kiến ban hành vào cuối năm 2021 được kỳ vọng thúc đẩy thị trường fintech đạt được bước tiến mới. Việc sớm đưa ra cơ chế thử nghiệm cho fintech không những nâng cao hiệu quả quản lý, mà còn thúc đẩy phổ cập tài chính, đổi mới sáng tạo, rút ngắn thời gian xây dựng và đưa các dịch vụ tài chính mới, chất lượng ra thị trường. Đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp fintech Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh với các đối tác nước ngoài. Cơ chế nghiêm ngặt của sandbox sẽ giúp thanh lọc thị trường tài chính, ngăn chặn các hoạt động vi phạm pháp luật để bảo vệ tối đa lợi ích của người sử dụng, đặc biệt là những dịch vụ fintech chưa được cấp phép chính thức.